TU BỔ KIẾN THỨC VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN ĐỐI VỚI BROKER

Trải theo độ dài 14 năm, thị trường chứng khoán đã thay đổi rất nhiều mà bản thân người môi giới chứng khoán (broker) nếu không tự nâng cấp bản thân sẽ không thể tồn tại được. Bên cạnh những thách thức, với đà phục hồi của thị trường chứng khoán trong năm 2014 này, cơ hội của môi giới cũng rất lớn nhưng nắm bắt được hay không là tùy cái duyên và năng lực của mỗi người!

Cách đây 7-8 năm, khi lượng cung cổ phiếu trên thị trường còn hạn chế thì môi giới được coi như những người đặt lệnh, quyết định việc mua bán thành công của khách hàng và nhiệm vụ chính là ngồi ở quầy để nhận lệnh giao dịch, đặt lệnh mua bán cho khách hàng.
Nhớ lại một thời, ông Võ Minh Ngọc - Trưởng bộ phận Giao dịch một CTCK tại TPHCM mở lời, giai đoạn cuối năm 2006 và đầu năm 2007, môi giới chứng khoán là nghề cực nóng. Môi giới cũng không cần tìm kiếm khách hàng vì khách hàng tự động đến mở tài khoản, cũng không cần tư vấn mà chỉ có nhiệm vụ nhập lệnh cho khách hàng bởi thời điểm đó thị trường chứng khoán tăng mỗi ngày, cứ mua cổ phiếu là sẽ… lên trần.

Môi giới chứng khoán ngày nay cần có kỹ năng và kiến thức nhất định để có thể tìm kiếm và duy trì khách hàng, ông Ngọc tiếp lời.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, nhà đầu tư đã có thể tự đặt lệnh thì nhiệm vụ chính của môi giới không còn đơn giản là nghe và nhập nữa. Đồng thời, khi sản phẩm trên thị trường ngày càng nhiều, môi giới ngày càng đông thì sự cạnh tranh ngày càng trở nên dữ dội và gay gắt.
Khi đề cập đến vai trò của môi giới hiện đại, ông Dương Thành Như - Trưởng phòng Kinh doanh của một CTCK lớn cũng tại TPHCM cho biết, hiện nay, môi giới phải tập trung hơn vào mảng phân tích tư vấn và cung cấp thông tin kịp thời cho khách hàng, đưa ra những ý kiến về việc nên mua hay bán các loại cổ phiếu… Hơn nữa, cùng với sự thanh lọc khắt khe trên thị trường, để tồn tại và phát triển được thì điều quan trọng là môi giới phải đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu; tự ý thức được bản thân như là một “lá chắn sống” bảo vệ cho khách hàng trước những rủi ro, những biến động mạnh trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Ở khía cạnh khác, một môi giới lâu năm hiện đang làm Trưởng phòng Quản trị rủi ro và Tư vấn đầu tư tại một công ty tài chính chia sẻ, môi giới còn phải giúp nhà đầu tư định hình được khẩu vị đầu tư, quan điểm đầu tư của chính mình. Đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân khi mới tham gia thị trường chứng khoán thường khá mù mờ, chỉ suy nghĩ đến làm thế nào tạo ra lợi nhuận cao mà không có một chiến lược, một điểm nhấn đầu tư riêng. Môi giới chứng khoán chính là người giúp nhà đầu tư định hình vấn đề này.Theo đó, môi giới phải tự học hỏi nâng cao kiến thức, tạo được uy tín, sự tin tưởng của khách hàng qua việc tiếp xúc tư vấn đầu tư hiệu quả, chia sẻ thông tin chính xác và đáng tin cậy, xây dựng cho bản thân một thương hiệu riêng để giữ khách hàng cũ và phát triển khách hàng mới. Dần dần, theo quy luật đào thải trên thị trường, môi giới chứng khoán thực sự trở thành một nghề cao cấp, đòi hỏi kinh nghiệm và  sự đầu tư tri thức nghiêm túc.
Nói rõ hơn, môi giới sẽ là người giúp nhà đầu tư không bị mắc kẹt trong thị trường chứng khoán, nghĩa là giúp nhà đầu tư xác định được thời điểm cắt lỗ, thời điểm dừng lời, đề ra được một nguyên tắc đầu tư và tuân thủ theo nó. Những điểm cơ bản này sẽ giúp nhà đầu tư không phải đau đầu trong việc mình sẽ dừng lỗ ở đâu, sẽ bán cổ phiếu thu lời ở điểm nào.
Một điểm nữa là người môi giới chứng khoán cần giúp nhà đầu tư điều tiết được cảm xúc. Thường khi thị trường tăng mạnh thì nhà đầu tư nhỏ lẻ có xu hướng đua mua và khi giảm thì bán ra. Điều này rất bất lợi và người môi giới cần giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ có cái nhìn của nhà đầu tư lớn, bình tĩnh suy xét vấn đề.
Ngoài ra, đối với các báo cáo phân tích của CTCK, người môi giới chứng khoán cũng phải giúp nhà đầu tư đọc vị được, ít nhất phải hiểu báo cáo này đặt trong bối cảnh nào, có còn phù hợp với diễn biến thị trường không, khuyến nghị trong báo cáo cho mục tiêu nào? Ngắn, dài hay trung hạn.
Đồng quan điểm với hai đồng nghiệp trên, ông Ngọc cho rằng môi giới phải nắm vững kiến thức kinh tế-xã hội, thị trường và cổ phiếu để tư vấn cho khách hàng, phải nắm bắt tâm lý của từng khách hàng để tư vấn sao cho phù hợp, phải biết quan hệ để tìm kiếm và có thêm khách hàng...
Tâm lý nhà đầu tư có gì khác biệt?
Đối với các môi giới, việc nắm bắt được tâm lý nhà đầu tư chính là chìa khóa của sự thành công. So với thời gian trước đây, tâm lý cùng hành vi của nhà đầu tư đã có những chuyển biến nhất định.
Làm trong nghề đã nhiều năm, ông Như nhận thấy tâm lý và mức độ am hiểu cũng như kiến thức của nhà đầu tư hiện nay rất tốt. Nếu như trước đây đa số nhà đầu tư mua-bán cổ phiếu bằng sự cảm tính, thiếu thông tin, thiếu sự tìm hiểu, phân tích, kiểm soát rủi ro không tốt và đặc biệt là mua-bán cổ phiếu theo tâm lý đám đông… Thì hiện nay phần lớn nhà đầu tư tích lũy cho mình khá nhiều thông tin, sự am hiểu và kiến thức khá tốt về TTCK, có tầm nhìn vĩ mô về nền kinh tế cũng như phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, tìm hiểu khá sâu về chi tiết cổ phiếu của công ty đang mua bán và kể cả việc kiểm soát tâm lý hành vi cũng rất tốt… 
Đồng quan điểm, ông Ngọc cũng đánh giá cao tâm lý nhà đầu tư hiện tại. "Có thể nói tâm lý nhà đầu tư hiện nay khác nhiều so với trước đây. Nhà đầu tư hiện nay có thể nói rất am hiểu về thị trường, nhiều nhà đầu tư trước khi “đánh” chứng khoán còn tham gia những khóa học cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tâm lý nhà đầu tư cũng bớt bầy đàn hơn so với trước đây và cũng ít bị môi giới chi phối".